Giới thiệu về Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nằm dưới chân núi Ngũ Hành là làng nghề truyền thống có tuổi đời gần 400 năm làm ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Đây được coi là làng nghề lâu đời và nổi tiếng nhất Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 8km, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Theo dòng thời gian, đã có không ít làng nghề truyền thống dần mai một, thế nhưng làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước vẫn nguyên vẹn một sức sống mãnh liệt với thời gian và không ngừng phát triển. Hiện nay, cùng với danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng nghế đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một trong những điểm du lịch hút khách của thành phố Đà Nẵng.

Khi bước chân đến làng đá Non Nước, bạn sẽ như lạc vào “xứ sở của đá” với những khối đá lớn nhỏ muôn hình vạn trạng. Mỗi một tác phẩm đều mang một dáng hình khác nhau và được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của người thợ đá. Từ khối đá cẩm thạch đơn sơ được lấy từ dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, qua bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân, các khối đá trở nên láng mịn, bóng bẩy và lộ rõ những vân đá đẹp mắt. Tất cả mọi tác phẩm đều được những người thợ làng đá chạm khắc tỉ mỉ và cực kỳ tinh xảo. Các sản phẩm mỹ nghệ của làng đá Non Nước- Ngũ Hành Sơn là những vật kỷ niệm đầy ý nghĩa của danh thắng đã theo chân các du khách có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài những sản phẩm lưu niệm, nếu khách hàng muốn đặt mua những sản phẩm có trọng lượng lớn, kích cỡ to thì tùy theo thỏa thuận giữa người mua và người bán kèm với địa chỉ của khách hàng, sản phẩm sẽ được bên bán đóng kiện cẩn thận và gửi đến tận nơi cho khách hàng.

Tọa lạc trong vùng đất Ngũ Hành Sơn, ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Champa từ Thánh địa Mỹ Sơn, làng đá mỹ nghệ Non Nước là sự giao thoa một cách hài hòa của hai nền văn hóa Việt Cổ và Champa. Điều này đã tạo nên dòng chảy phong phú cả về sự sáng tạo lẫn hình tượng nghệ thuật để mang đến những tác phẩm đầy sức sống theo thời gian. Mỗi tác phẩm không chỉ được đục đẽo, mài gọt bằng bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh anh, mà ở đó, người nghệ nhân còn gửi gắm tình cảm và thổi hồn sức sống cho “đứa con” của mình.

Từng sản phẩm được làm ra đều là thành quả lao động rất công phu và tỉ mỉ của những nghệ nhân tài hoa của làng nghề. Đứng nhìn từng mũi khoan, nét đục đẽo, bạn có thể cảm nhận được tình yêu nghề của họ dành cho những tảng đá vô tri, vô thức là vô cùng lớn lao. Qua nhiều thế hệ, làng nghề non nước giờ đây vẫn luôn được gìn giữ và phát triển rộng rãi để tạo ra các sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao, phát huy nét đẹp của một làng nghề truyền thống của Việt Nam ta, giới thiệu với các bạn bè năm châu, để họ hiểu hơn về nền văn hóa, nghệ thuật của nước ta cùng sự chân chất và chăm chỉ của người dân miền Trung.

Sản phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đa dạng về loại hình, phong phú về màu sắc, kích cỡ, chủng loại. Những sản phẩm có truyền thống lâu đời, gắn liền với sự phát triển của nghề chủ yếu có các loại sau:

– Sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt như: ấm chén, bát đĩa, bình hoa,…

– Sản phẩm phục vụ đời sống tín ngưỡng như: bia mộ, tượng… Thợ điêu khắc đá Non Nước có tài làm hai loại tượng: tượng tròn và phù điêu, song phổ biến và sở trường vẫn là tượng tròn. Dạng tượng tròn gồm các nhóm sau:

+ Nhóm tượng tâm linh: tượng Phật, tượng La Hán, tượng Đức Mẹ,…

+ Nhóm tượng Chăm: nghệ nhân điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước phục chế và chế tác tượng Chăm dưới dạng tượng tròn và phù điêu. Các tác phẩm này rất đa dạng, như: tượng chim thần, rắn thần, tượng thần Siva, tượng Genesa, tượng vũ nữ,…

+ Nhóm tượng trang trí: có hàng trăm mẫu mã và sản phẩm đủ kích cỡ nhưng chủ yếu là tượng động vật, trong đó có một số tượng gắn với đời sống tâm linh của người Việt như: sư tử, kỳ lân, cá chép trông trăng, rồng phun lửa,… Bên cạnh đó, còn có tượng tròn mang đề tài hiện đại được khai thác phục vụ nhu cầu của du khách như: tượng chân dung thiếu nữ Việt Nam và phương Tây, tượng các nhà cách mạng, lãnh tụ…

Trước đây nguyên liệu phục vụ sản xuất của làng nghề được khai thác từ núi Ngũ Hành Sơn, nhưng trước nguy cơ mất đi một danh thắng lịch sử văn hóa, thành phố Đà Nẵng đã nghiêm cấm việc khai thác đá. Không thể để làng nghề mai một, những cơ sở lâu đời, các nghệ nhân có tâm huyết với nghề và các cơ sở buôn đá ra đời đã tìm các mỏ đá, nguồn đá tốt để có thể điêu khắc các mẫu tượng từ các nơi. Hiện nay, nguyên liệu chủ yếu của làng nghề được cung cấp từ các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên…và nhập khẩu từ nước ngoài.

Trải qua gần bốn thể kỷ tồn tại và phát triển, các sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, vượt khỏi biên giới quốc gia, trở thành niềm tự hào của người dân Đà Nẵng nói chung và đem lại nguồn thu đáng kể cho làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Năm 2014, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bài viết liên quan